"Đại phẫu thuật" để có một VNPT khỏe mạnh

Để chỉ đạo VNPT xây dựng phương án tái cơ cấu, thời gian qua Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son
đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo tập đoàn này và nhiều đơn vị thành viên của tập đoàn.
Tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính, tổ chức mạng lưới và kinh doanh khoa học hơn, tạo sự chủ động cho các đơn vị thành viên... là những mục tiêu cốt tử của VNPT khi tiến hành tái cơ cấu theo chỉ đạo của Chính phủ để tập đoàn này xứng đáng là doanh nghiệp chủ đạo.

Tái cơ cấu là tất yếu

Ở thời kỳ độc quyền lĩnh vực bưu chính viễn thông, VNPT được xem như là biểu tượng của sự thành công của doanh nghiệp Nhà nước. Một hình tượng VNPT đã đi thẳng vào công nghệ số hóa hiện đại, đem lại cuộc cách mạng cho viễn thông Việt Nam. Thế nhưng, chiến thắng này ở góc độ nào đó đã không trở thành động lực cho VNPT bước vào thời kỳ cạnh tranh khốc liệt trên thị trường viễn thông sau đó. Doanh nghiệp viễn thông mới mau chóng bứt phá, rút ngắn khoảng cách với VNPT. Trong thị trường cạnh tranh quyết liệt, điều gì đến rồi cũng sẽ phải đến khi doanh nghiệp viễn thông mới đã vượt qua VNPT ở những dịch vụ màu mỡ như di động.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo Bộ TT&TT về vấn đề tái cơ cấu, ông Phan Hoàng Đức, Phó Tổng giám đốc VNPT cũng thẳng thắn đánh giá: Khi VNPT chuyển từ cơ chế độc quyền sang cơ chế thị trường đã gặp những khó khăn trong việc chuyển đổi bộ máy, con người, cơ chế hoạt động. Việc tìm ra cơ chế phù hợp là một trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo VNPT. Thời gian qua, VNPT đã đáp ứng được phần nào yêu cầu này, song cơ chế nội bộ ban hành muộn gây ra nhiều trở ngại cho VNPT. “Thực tế vẫn còn tình trạng cạnh tranh lẫn nhau trong nội bộ tập đoàn. Lực lượng lao động đông cũng là áp lực rất lớn (hiện VNPT có trên 53 nghìn người thì riêng công ty mẹ bao gồm VNPT tất cả các tỉnh đã có tới 45 nghìn người). Các doanh nghiệp công nghiệp CNTT của VNPT trước đây rất phát triển nhưng giờ cũng lúng túng trong định hướng sản phẩm mới”, ông Phan Hoàng Đức nói.

Tuy nhiên, ông Phan Hoàng Đức cũng đánh giá, dù tình hình khó khăn như vậy, nhưng 5 năm qua, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách của VNPT vẫn đảm bảo và có sự tăng trưởng. Bình quân tổng doanh thu của VNPT đạt 96.000 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân 9.755 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 7.698 tỷ đồng. Đây là minh chứng cho sự cố gắng của VNPT, trong đó tập trung vào vấn đề hiệu quả và sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, VNPT đã phóng thành công 2 vệ tinh VINASAT-1 và VINASAT-2, tăng cường thêm năng lực hạ tầng của tập đoàn cũng như quốc gia.

“Đại phẫu thuật” để có một VNPT khỏe mạnh

Đã nhiều lần chính lãnh đạo VNPT ví von tập đoàn này giống như “cỗ xe siêu trường siêu trọng đi trong phố cổ”. Như vậy, cần cuộc “đại phẫu” để VNPT trở thành cỗ xe mạnh mẽ nhưng linh hoạt. Để làm được điều đó là vấn đề không đơn giản bởi VNPT vẫn là doanh nghiệp Nhà nước có quá nhiều doanh nghiệp trực thuộc.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, Đề án tái cơ cấu VNPT sẽ được xây dựng một cách công khai, minh bạch nhằm đưa VNPT trở thành tập đoàn hùng mạnh có cơ cấu ngành nghề hợp lý, xứng đáng với nguồn lực và vị trí của mình, góp phần hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam trở thành Nước mạnh về CNTT - TT theo như mục tiêu của Chính phủ. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, tái cơ cấu VNPT là việc rất quan trọng nên phải thận trọng, không thể đốt cháy thời gian và bỏ qua các quy trình.

Nhiều ý kiến cho rằng, tái cơ cấu VNPT thực sự giống như chuyện giải bài toán khó. Ngay khi được Thủ tướng giao nhiệm vụ với vai trò là thủ trưởng trực tiếp của VNPT và chỉ đạo việc tái cơ cấu tập đoàn này, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cùng các lãnh đạo bộ đã có nhiều buổi làm việc với lãnh đạo VNPT cũng như các đơn vị thành viên của VNPT để nắm tình hình và chỉ đạo tiến hành tái cơ cấu.

Một trong những điểm nhấn quan trọng nhất của Đề án tái cấu trúc VNPT là việc sắp xếp lại hai mạng di động. Vì vậy, Bộ TT&TT chỉ đạo VNPT trong quá trình tái cơ cấu phải giữ vững và phát huy các thương hiệu viễn thông VinaPhone, MobiFone đã có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.

Bộ TT&TT chỉ đạo VNPT phải thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn khỏi MobiFone theo lộ trình phù hợp trên cơ sở kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời tuân thủ pháp luật về sở hữu trong lĩnh vực viễn thông được quy định tại Luật Viễn thông và Nghị định 25/2011/NĐ-CP.

Theo Bộ TT&TT, VNPT cần phải tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh viễn thông, CNTT, các dịch vụ ứng dụng viễn thông, và từng bước tiến hành thoái vốn khỏi các lĩnh vực không phải là ngành nghề kinh doanh chính, những lĩnh vực kinh doanh không hiệu quả. Chấm dứt tình trạng đầu tư ra ngoài ngành, ngoài lĩnh vực kinh doanh chính trước năm 2015.

Bộ TT&TT cho rằng, mô hình tổ chức của VNPT sẽ phải theo hướng Công ty mẹ - Tập đoàn tập trung vào các chức năng nghiên cứu chiến lược phát triển, đổi mới tổ chức quản lý, công nghệ, sản phẩm, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, đào tạo nhân lực, quan hệ đối ngoại...

Bộ TT&TT nhấn mạnh, trong mô hình tái cơ cấu của mình, VNPT phải chú trọng, ưu tiên việc bảo đảm tính toàn vẹn, thống nhất, không chia cắt theo địa bàn hành chính của mạng lưới, dịch vụ viễn thông trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là đối với mạng viễn thông cố định. Trong xu hướng hội tụ công nghệ trên cùng một nền tảng hạ tầng băng rộng đa dịch vụ, thì VNPT phải hạn chế việc tổ chức kinh doanh theo từng dịch vụ, mà ưu tiên tổ chức kinh doanh theo hướng tập trung vào hai hoạt động chính là đầu tư, khai thác hạ tầng và kinh doanh đa dịch vụ theo phạm vi toàn quốc.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, không phải bây giờ Bộ TT&TT mới bắt đầu tái cơ cấu VNPT, mà thực tế Bộ đã tham mưu cho Chính phủ tiến hành tái cơ cấu VNPT từ 2 năm trước, khi VNPT còn trực thuộc Chính phủ. “Cách đây 2 năm, đề án độc lập hóa Tổng Công ty VNPost đã được xây dựng. Và ngày 15/11/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1746 về việc tách VNPost khỏi Tập đoàn VNPT. Việc chia tách này nằm trong lộ trình tái cơ cấu VNPT. Tiếp đó, với Quyết định số 929 năm 2012, Bộ TT&TT chính thức trở thành thủ trưởng trực tiếp của Hội đồng thành viên VNPT, trực tiếp chỉ đạo tái cơ cấu VNPT và sẽ trình Đề án tái cơ cấu VNPT lên Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới. Từ tháng 4/2013 đến nay, Bộ bắt đầu nắm tình hình thực tế các đơn vị của VNPT để tái cơ cấu phần còn lại của VNPT”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói.
Theo IctNews

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Bật mí cuộc sống loài ong mật

Biểu tượng môn thể thao Olympic qua các thời kì

3 dịch vụ xem TV Online cực hay và miễn phí