Những điểm khác biệt giữa màn hình LCD và AMOLED

Với việc điện thoại và máy tính bảng ngày nay phần lớn đều sử dụng giao diện cảm ứng, màn hình chính là yếu tố quan trọng, quyết định nhiều nhất đến trải nghiệm của người dùng trên sản phẩm.

Có một vài công nghệ đằng sau các dòng màn hình phổ biến hiện nay mà không phải người dùng nào cũng phân biệt được. Những cụm từ như AMOLED, LCD, IPS hay TFT có thể sẽ khiến không ít người hoa mày chóng mặt vì không hiểu rõ điểm khác biệt giữa chúng.

Trên thực tế, bạn chỉ có 2 lựa chọn màn hình trên phần lớn các thiết bị di động hiện nay là LCD và AMOLED và mỗi loại đều có những ưu và nhược điểm của chúng.

Samsung Galaxy S III (trái) dùng màn hình AMOLED và HTC One X (phải) dùng màn hình LCD.
LCD

LCD hay Liquid Crystal Display đã trở thành một phần trong cuộc sống của chúng ta từ cách đây khá lâu. Bên cạnh những thiết bị di động, người dùng còn bắt gặp màn hình LDC sử dụng trên hầu hết các loại màn hình máy tính và phần lớn các dòng TV hiện nay. Cấu trúc chính của dòng sản phẩm này là tinh thể lỏng, đi kèm lớp kính bao bọc và đèn nền.

Điểm mạnh của màn hình LCD là cho ra màu sắc trung thực nhất so với mọi loại màn hình khác nhưng độ tương phản không cao như AMOLED.

Một số thuật ngữ phổ biến bạn có thể tìm thấy, gắn liền với màn hình LDC là TFT và IPS. Công nghệ TFT, viết tắt của Thin Film Transistor cho hình ảnh hiển thị rõ, nhanh và đẹp hơn do mỗi một điểm ảnh (pixel) của nó được phụ trách bởi một transitor riêng. Một công nghệ màn hình LCD phổ biến nữa là IPS (In-Plane Switching), là một sự cải tiến so với TFT, cho góc nhìn rộng hơn và giữ được độ chân thực của màu sắc.

Những thiết bị tiêu biểu sử dụng màn hình LCD: iPhone4 / 4S, iPad và HTC One X.

AMOLED

AMOLED (Active Matrix Organic Light Emitting Diode) là một công nghệ không mới nhưng nó được đưa vào các thiết bị cao cấp cách đây chưa lâu. Màn hình AMOLED có chứa một lớp polymer hữu cơ siêu mỏng có khả năng tự phát sáng khi có dòng điện chạy qua.

Do cơ chế này, màn hình AMOLED có lợi thế là giữ được độ mỏng và không cần đèn nền. Nhờ vậy, nó giúp tiết kiệm được thời lượng pin trên smartphone và máy tính bảng.

Đôi khi nhắc đến màn hình AMOLED, bạn thường tìm thấy cụm từ pentile đi kèm. Đây là một đặc điểm phổ biến trên màn hình AMOLED. Thay vì chỉ có một điểm ảnh phụ màu đỏ, xanh da trời, xanh lục cho một điểm ảnh thật, công nghệ pentile có đến hai điểm ảnh phụ màu đỏ và  xanh da trời và một pixel phụ màu xanh lục trên mỗi điểm ảnh thực. Ưu điểm của loại màn hình này là tuổi thọ lớn hơn nhưng nó cũng có những nhược điểm không thể phủ nhận, đó là có thể xuất hiện các “hạt” hoặc tạo cảm giác độ phân giải thấp.

Cách đây chưa lâu, Samsung đã phát triển một công nghệ mới mang tên Super AMOLED Plus, loại bỏ các điểm ảnh phụ và cũng cải thiện được đáng kể góc nhìn dưới ánh sáng trực tiếp, một điểm yếu cố hữu của màn hình AMOLED. Hãng đã sử dụng loại màn hình này trên dòng Galaxy S II nhưng lại loại bỏ nó trên chiếc Galaxy S III với lý do, giữ tuổi thọ cho màn hình của máy.

Những thiết bị nổi bật sử dụng màn hình AMOLED: dòng Samsung Galaxy S, Nokia Lumia 900 và HTC One S.
(Theo Infonet.vn)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Bật mí cuộc sống loài ong mật

Biểu tượng môn thể thao Olympic qua các thời kì

3 dịch vụ xem TV Online cực hay và miễn phí