10 thiết lập hữu ích cho router trên giao diện Web

Bộ định tuyến không dây (router) có nhiều tính năng hữu ích, tập trung ở trang cấu hình (giao diện web) và đôi khi người dùng sẽ không biết đến sự tồn tại của chúng nếu chưa từng khám phá trang cấu hình này. Bài viết sẽ giới thiệu 10 tính năng hữu ích mà bạn có thể thiết lập nhằm tối ưu hóa hoạt động của bộ định tuyến.


Lưu ý, mỗi dòng router sẽ có trang cấu hình khác nhau, các tùy chọn được bố trí vào các mục khác nhau, các tùy chọn cũng có tên gọi khác nhau, nên trước khi thay đổi thiết lập bạn nên tham khảo tài liệu hướng dẫn của router hoặc tìm kiếm thêm thông tin từ mạng Internet.

1. Truy cập vào giao diện web của router

Hầu hết các bộ định tuyến đều có trang cấu hình dạng giao diện web, bạn có thể truy cập ngay vào trang điều khiển này bằng trình duyệt web, miễn là máy tính đang được kết nối trực tiếp đến mạng nội bộ của router. Để truy cập vào giao diện web của router, bạn chỉ cần nhập địa chỉ IP nội bộ vào thanh địa chỉ của trình duyệt web. 


Để tìm được địa chỉ IP, bạn mở nhóm tính năng Network and Sharing Center trong Control Panel của Windows, bấm vào tên kết nối Internet đang dùng rồi bấm vào nút Details ở cửa sổ hiện ra để mở trang thông tin kết nối. Trong cửa sổ Network Connection Details, bạn tìm đến dòng thông tin IPv4 Default Gateway và nhìn sang cột Value sẽ thấy địa chỉ IP. Khi xong, nhập địa chỉ IP này vào trình duyệt web.

Sau đó, bạn dùng thông tin đăng nhập gồm tên người dùng (username) và mật khẩu (password) để đăng nhập vào trang cấu hình của router. Nếu chưa biết các thông tin này thì bạn có thể sử dụng thông tin mặc định trong tài liệu hướng dẫn của router hoặc tìm kiếm mật khẩu mặc định theo số hiệu sản phẩm ở trang chủ. Nếu bạn đã thay đổi mật khẩu và không thể nhớ mật khẩu mới thì hãy khởi động lại (reset) bộ định tuyến và sử dụng mật khẩu mặc định. Khi đã đăng nhập được vào trang cấu hình thì bạn có thể thay đổi các cấu hình đã cài đặt.


2. Xem danh sách thiết bị đã kết nối

Router có khả năng hiển thị danh sách các thiết bị từng kết nối với router, bạn có thể tìm thấy tính năng này ở thanh trạng thái chung hoặc ở phần Wireless phía sau nút Clients list (hoặc tương tự). Danh sách này cho phép bạn kiểm soát được các thiết bị và máy tính đang kết nối. Trang quản trị của router hiển thị các thông tin về kết nối Internet, bao gồm các địa chỉ mạng diện rộng. 


3. Kênh vô tuyến (Wireless Channel)

Có thể thay đổi các thiết lập mạng không dây thông qua giao diện web của router, bao gồm cả thay đổi kênh vô tuyến. Nếu có nhiều mạng không dây trong khu vực làm việc của bạn và sử dụng chung kênh sóng thì sẽ gây ra tình trạng kết nối chậm. Việc thay đổi kênh sóng không chỉ giúp tăng khoảng cách phát sóng mà còn giúp nâng cao hiệu năng hoạt động của bộ định tuyến.


Trước khi cài đặt kênh sóng, bạn nên dùng ứng dụng Wi-Fi Analyzer cho Android hoặc tiện ích inSSIDer cho Windows để quét qua khu vực mạng nội bộ và tìm ra kênh sóng tốt nhất.

4. Tính năng Repeating

Nếu văn phòng làm việc của bạn khá rộng và có nhiều tầng lầu thì router không đủ khả năng phát sóng đến các thiết bị ở xa. Bạn có thể sử dụng nhiều bộ định tuyến kết hợp với nhau mà không cần phải tạo ra các mạng không dây riêng biệt. Với tính năng Repeating, bạn có thể kết nối các bộ định tuyến tham gia vào một mạng chính, tính năng này tương tự như tạo ra các repeater trong mạng không dây. 


5. Quality of Service (QoS)

Phần lớn các router đều cung cấp tính năng QoS, giúp điều khiển sự lưu thông dữ liệu cho một số nhu cầu hoặc ứng dụng cụ thể như các ứng dụng truyền tải video, chơi game, VoIP, tập tin Torrent, cập nhật phần mềm. Ví dụ, QoS có thể làm giảm phần băng thông dành cho việc truyền tải Torrent để ưu tiên băng thông cho các ứng dụng web và trình duyệt web. Đây là một tính năng hữu ích trong trường hợp nếu mạng có nhiều người sử dụng và tải hàng trăm loại dữ liệu khác nhau, khi đó bạn có thể ưu tiên băng thông cho một số loại dữ liệu hoặc có thể ưu tiên kết nối mạng của một máy tính hơn các máy tính khác.


6. Tính năng Dynamic DNS

Nếu đang lưu trữ một số tập tin của máy chủ trên máy tính cá nhân thì cần phải kết nối để điều khiển từ xa, nhưng nhiều nhà cung cấp (ISP) thường gán địa chỉ IP động và thường xuyên thay đổi. Dynamic DNS (DDNS) là một tính năng phổ biến trên các bộ định tuyến không dây hiện nay. DDNS sẽ giúp gán một địa chỉ đặt biệt, ví dụ pc.service.com, đến máy tính của bạn. Khi địa chỉ IP của mạng diện rộng thay đổi, router của bạn sẽ tự động kiểm tra với dịch vụ DDNS (nhà cung cấp tên miền có hỗ trợ tính năng DDNS) và cập nhật địa chỉ IP được liên kết với pc.service.com. Vì vậy, bạn sẽ luôn kết nối được với máy tính cá nhân của mình.

Bên cạnh việc phải thiết lập triển khai DDNS trên trang cấu hình của bộ định tuyến (thường có tên gọi là Dynamic DNS hoặc DDNS), bạn cần phải đăng kí một tài khoản tại dịch vụ cung cấp tên miền hỗ trợ tính năng DDNS.


7. Port Forwarding, Port Triggering, DMZ & UpnP

Khi tính năng biên dịch địa chỉ mạng (NAT) hoạt động, router sẽ chặn lưu lượng gửi tin đến theo mặc định. Nếu bạn muốn thiết lập máy tính như là một máy chủ hoặc sử dụng các dịch vụ yêu cầu kết nối gửi vào (incoming connection), như tập tin theo giao thức peer-to-peer hoặc một số hình thức VoIP thì sẽ cần đến các kết nối gửi vào.

Router cung cấp nhiều cách khác nhau để thực hiện kết nối gửi vào. Bạn có thể sử dụng tính năng chuyển tiếp cổng (Port Forwarding), kỹ thuật chuyển tiếp cho phép người dùng bên ngoài có thể truy cập vào mạng bên trong bằng cách sử dụng port đó từ bên ngoài thông qua router. Hoặc có thể thiết lập Port Triggering, tính năng Port Forwarding sẽ tự động kích hoạt khi một chương trình mở ra một kết nối trên một cổng nhất định. Ngoài ra, bạn có thể thiết lập DMZ để tự động gửi tất cả kết nối gửi vào đến một máy tính (máy có địa chỉ IP khi được thêm vào DMZ sẽ mở hết tất cả các cổng ra Internet). UpnP cũng được kích hoạt mặc định, cho phép chương trình chuyển tiếp cổng theo yêu cầu, tuy nhiên tính năng này không an toàn.


8. Network-Wide DNS Server

DNS server là thành phần quan trọng để trải nghiệm web được tốt hơn, bạn có thể thay đổi DNS server cho toàn bộ hệ thống mạng trên router của mình. Điều này cho phép kích hoạt tính năng quản lý của phụ huynh (Parental Controls) trên tất cả các thiết bị trong hệ thống mạng hoặc làm tăng tốc độ duyệt web. Có nhiều lý do để chuyển sang sử dụng DNS server của bên thứ ba, như tải trang web nhanh hơn vài giây, tăng độ đáng tin cậy hơn, có nhiều khả năng bảo mật hơn.


9. Parental Controls, Website Blocking và Access Scheduling

Các bộ định tuyến hiện nay đều được trang bị tính năng Parental Controls, cho phép phụ huynh ngăn chặn một số lưu lượng dữ liệu và các website không lành mạnh. Ngoài ra, bạn cũng có thể kiểm soát thời gian truy cập Internet như chặn tiến trình truy cập hoặc ngăn không cho con trẻ thức khuya. Trên một số bộ định tuyến, bạn còn có thể chỉ định việc chặn lưu lượng đối với từng máy tính cụ thể.


10. Tính năng Reboot

Bạn có thể khởi động lại bộ định tuyến nếu đang gặp những vấn đề về hệ thống mạng, thực hiện bằng cách bấm giữ nút Reset đằng sau router trong vài giây (phương pháp reset cứng) hoặc tùy chọn khởi động qua giao diện web (phương pháp reset mềm), thông thường nút Reboot ở trang Adminstration.


Theo XaHoiThongTin

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Bật mí cuộc sống loài ong mật

Biểu tượng môn thể thao Olympic qua các thời kì

3 dịch vụ xem TV Online cực hay và miễn phí