3 thái giám "quyền lực" nhất Việt Nam (kỳ 2)

Sử cũ chép rằng, Lê Văn Duyệt được coi là hoạn quan nhưng ngay khi mới sinh ra, ông đã là người thuộc loại ái nam ái nữ, chứ không phải chịu hoạn...

“Lê Văn Duyệt (1764-1832) là một tài năng lớn về chính trị, kinh tế, quân sự và trong các tư duy chiến lược của ông có sự kế thừa từ các anh hùng dân tộc trước đó” - Đây là nhận định chung của các nhà sử học, các giáo sư chuyên ngành và các học giả có tên tuổi trong nước tại các hội thảo của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội đồng khoa học TP HCM, Tạp chí Xưa và Nay...

Bẩm sinh ái nam ái nữ

Theo sách Đại Nam liệt truyện do Quốc Sử quán triều Nguyễn biên soạn: "Lê Văn Duyệt có tổ tiên là người huyện Chương Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi; cha là Toại dời đến ở tỉnh Định Tường, sinh được 4 con trai. Duyệt là con trưởng sinh ra nhưng không không dái, mình thể ngắn nhỏ, tinh hãn, có tài lực. Năm Canh Tý (1780) Thế tổ (Nguyễn Ánh - Gia Long) lên ngôi vương ở Gia Định, Duyệt năm ấy 17 tuổi, được tuyển dụng làm Thái giám...".

Lê Văn Duyệt (1764-1832) là một tài năng lớn về chính trị, kinh tế, quân sự.
Lúc này, câu hỏi được đặt ra là tại sao Nguyễn Ánh chọn Duyệt làm hoạn quan? Chuyện rằng, Lê Văn Duyệt từng cứu Nguyễn Ánh cùng vài tùy tùng khỏi tử thần. Đêm hôm đó, Nguyễn Ánh bị quân Nguyễn Lữ đuổi bắt. Nhờ mưa to gió lớn, thuyền của Nguyễn Lữ không đuổi theo được thuyền Nguyễn Ánh. Nhưng khi đến Vàm Trà Lọt, thuyền chở Nguyễn Ánh và đoàn tùy tùng bị sóng lớn làm cho suýt bị chìm. Lê Văn Duyệt xuất hiện kịp lúc, đỡ thuyền Nguyễn Ánh đưa vào bờ, giúp Nguyễn Ánh thoát nạn.

Biết Nguyễn Ánh là dòng dõi Chúa Nguyễn, cha Duyệt hết sức cung kính, lo lắng cho Nguyễn Ánh và đoàn tùy tùng tạm trú ở đây mấy hôm. Sau đó, Nguyễn Ánh lại phải tiếp tục tìm đường lẩn trốn đoàn quân Nguyễn Lữ đang lùng sục khắp nơi. Lúc chia tay, Nguyễn Ánh cám ơn ông bà Lê Văn Toại và hứa là sau này trở lại đem Lê Văn Duyệt theo hầu.

Khai quốc công thần số một triều Nguyễn

Cuộc đời của Lê Văn Duyệt gắn bó chặt chẽ với Nguyễn Ánh - Gia Long. Ông cũng chính là một trong những công thần số một đã có công theo phò Vua khởi nghiệp triều Nguyễn từ những ngày còn lánh nạn Tây Sơn đến khi thống nhất và điều hành giang sơn. Sử sách ghi: Nhờ có biệt tài cầm quân, Lê Văn Duyệt dần dần trở thành võ tướng xuất sắc và điều này khiến chính Nguyễn Ánh không ngờ. Lê Văn Duyệt được Nguyễn Ánh tin cậy, giao việc chỉ huy tả quân, đồng thời nhiều phen trao quyền tiết chế, điều khiển cả các danh tướng...

Cụ thể,  năm 1801, Vua Gia Long phong ông làm Khâm sai chưởng tả quân bình Tây tướng quân, Tước quận công. Năm 1802, ông chỉ đạo cả Nguyễn Văn Thành, Lê Chất đem quân đi bình định miền Bắc, được lãnh chức Kinh lược xứ Thanh Hoá và Nghệ An. Năm 1812, ông được phong làm Tổng trấn Gia Định, bảo hộ nước Chân Lạp (Campuchia) và được trao cho “Thượng phương kiếm” - kiếm của vua dùng và được quyền “tiền trảm hậu tấu” uy quyền như một vị phó vương (người Pháp thường gọi ông là Vice-Roi). Lần thứ hai, vào năm 1820, dưới thời Vua Minh Mạng, ông lại được cử làm Tổng trấn Gia Định. Ông cai quản thành Gia Định và cả miền Nam đến khi mất (1832).

Lê Văn Duyệt là người cương trực và trung thành, nhiều lần đã can ngăn vua, làm trái ý vua... Ông đã góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ vùng đất phương Nam của Tổ quốc. Ông vừa làm tốt công tác bảo hộ Cao Miên, ngăn chặn hữu hiệu ý đồ xâm lược của Xiêm La. Trong thời gian ở Gia Định, ông đã đề xuất với triều đình đào kênh Vĩnh Tế nhằm thoát nước, tiêu úng thay chua rửa phèn cho đồng ruộng. Và công trình kênh Vĩnh Tế có ý nghĩa to lớn về kinh tế, quốc phòng và hiệu quả mang lại rất lớn cho cho đất nước đến hôm nay.

Không dừng ở đó, Lê Văn Duyệt rất có tài đối nội lẫn đối ngoại. Ông đã khôn khéo mở rộng giao thương với các nước. Thời kỳ ông trấn nhậm đất Nam kỳ, nhiều tàu buôn của các nước: Trung Quốc, Mã Lai, Nam Dương, Miến Điện, Phương Tây và Châu Mỹ đã cập bến Gia Định, Bến Nghé để mua bán trao đổi hàng hoá. Sài Gòn Gia Định thời bấy giờ như một đặc khu kinh tế mở của nước ta.

Năm 1822, Crawfurd - người cầm đầu Phái bộ ngoại giao của toàn quyền Ấn Độ - ghé vào Bến Nghé và Gia Định, được yết kiến Lê Văn Duyệt và đã viết về ông: “Con người này ít học, nhưng lạ lùng thay lại có cái nhìn cởi mở hơn nhiều đại thần và cả nhà vua học rộng làu làu kinh sử của Khổng giáo. Ngài sống thanh liêm, mong muốn mở mang đất Gia Định trù phú hơn mọi quốc gia khác trong vùng biển Đông”.

Trong cuộc đời làm quan, dù quyền hành lớn, Lê Văn Duyệt không hề hiếp đáp kẻ dưới hoặc tìm mọi cách tư túi riêng. Thậm chí, có tư liệu viết, ông còn bỏ tiền cá nhân để làm việc công. Quân lính của ông rất có kỷ luật, không hề phá phách, cướp bóc... Khi được triều đình cử đi dẹp loạn, ông bao giờ cũng điều tra kỹ nguyên nhân, nếu biết đám quan lại hà hiếp dân, ông thẳng tay trừng trị... Vì thế, đương thời oai phong của Lê Văn Duyệt luôn khiến các nước lân cận nể sợ, gọi ông là "Cọp gầm Đồng Nai", một trong "ngũ hổ tướng" ở Gia Định.

Thế nhưng tiếc rằng, sau khi ông mất, nhân vụ người con nuôi là Lê Văn Khôi khởi binh chống nhà Nguyễn, ông bị truy tội, mãi đến đời Tự Đức mới được phục hồi danh dự.

(Theo Đất Việt)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Bật mí cuộc sống loài ong mật

Biểu tượng môn thể thao Olympic qua các thời kì

3 dịch vụ xem TV Online cực hay và miễn phí