Ly kỳ chuyện đăng ký quỹ đạo cho VINASAT-2

Vùng phủ của vệ tinh VINASAT-1 băng tần Ku.
Việt Nam là một trong những nước đi đầu và thành công trong việc dành vị trí quỹ đạo vệ tinh trong băng tần qui hoạch với vị trí 131.8 độ Đông cho VINASAT-2. Vị trí này hết sức quý giá trong bối cảnh vị trí quỹ đạo vệ tinh là một nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm.

Việt Nam không thể chỉ có 1 vệ tinh
 

Chuẩn bị dự án phóng vệ tinh đầu tiên (vệ tinh VINASAT-1) vào vị trí 132 độ Đông nằm cách mặt đất khoảng 38.638 km, theo yêu cầu của Liên minh Viễn thông thế giới (ITU), Việt Nam đã thực hiện các thủ tục đăng ký vị trí quỹ đạo và phối hợp tần số từ năm 1996 và phải thực hiện đàm phán thỏa thuận với 27 quốc gia, trong đó có: Indonesia, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Tonga, Anh, Pháp, Thái Lan… Sau hơn 10 năm thực hiện các thủ tục phối hợp tần số quỹ đạo vệ tinh hết sức phức tạp, đầu năm 2008 về cơ bản hoàn thành phối hợp với các mạng vệ tinh xung quanh vị trí quỹ đạo 132 độ Đông để sẵn sàng phóng vệ tinh VINASAT-1.

Ngày 19/4/2008, tên lửa Ariane 5 của Arianespace đã đưa vệ tinh VINASAT-1 của Việt Nam vào quỹ đạo. Sự kiện này đánh dấu chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên không gian. Quá trình cho thuê dung lượng bộ phát đáp của vệ tinh VINASAT-1 rất khả quan, hiện tại đã khai thác hết 90% dung lượng. Thường khi sử dụng khoảng 70% dung lượng vệ tinh hiện tại là phải nghĩ đến việc xây dựng vệ tinh tiếp theo. Điều này cho thấy nhu cầu cần thiết phóng vệ tinh VINASAT-2 nối dài giấc mơ không gian, chắp cánh mở rộng cho vệ tinh VINASAT-1, vệ tinh thế hệ đầu tiên của Việt Nam.

Phải nói rằng việc giành được vị trí quỹ đạo sẵn sàng cho việc phóng vệ tinh thứ 2 của Việt Nam cho thấy một tầm nhìn chiến lược, một quyết sách đúng đắn. Trong quá trình phối hợp cho dự án VINASAT-1, Cục Tần số Vô tuyến điện (TSVTĐ) đã nhận thấy tương lai Việt Nam sẽ không chỉ phóng một vệ tinh duy nhất, mà sẽ là một chuỗi vệ tinh để hình thành nên một hệ thống mạng vệ tinh đầy đủ, tin cậy (có dự phòng) để cung cấp cho nhu cầu sử dụng thông tin vệ tinh trong nước và quốc tế. Ngay từ khi chưa thực hiện phóng vệ tinh VINASAT-1, Cục TSVTĐ đã gửi các văn bản tới các doanh nghiệp Việt Nam để chủ động tìm hiểu khả năng sử dụng thông tin vệ tinh, khả năng phóng vệ tinh viễn thông hoặc các doanh nghiệp có thể liên doanh với các đối tác của nước ngoài để phóng vệ tinh.

Việt Nam là nước đầu tiên đăng ký được vị trí 131.8 độ Đông

Vị trí quỹ đạo ngày càng chật chội, việc hoàn thành phối hợp với các mạng vệ tinh xung quanh một vị trí quỹ đạo được đăng ký mới vô cùng khó khăn. Điều này thể hiện rõ qua thực tế phối hợp cho dự án VINASAT-1. Trước tình hình đó, Cục TSVTĐ đã có đề xuất mang tính chiến lược, đó là tìm kiếm vị trí quỹ đạo trong băng tần quy hoạch. Băng tần này được thế giới qui hoạch với mục đích là để phân bổ cho mỗi nước một vị trí quỹ đạo giống như “của để dành” với vùng phủ chỉ phủ quốc gia (nội địa) để tạo điều kiện cho các nước ít nhất cũng có một vị trí quỹ đạo để phóng vệ tinh trong tương lai, trong đó Việt Nam được phân bổ vị trí quỹ đạo 107 độ Đông. Vì qui hoạch cho các nước nên các tham số kỹ thuật được phân bổ không thuận lợi cho việc khai thác vệ tinh thương mại như đường kính anten băng tần C sử dụng là 7 mét, băng tần Ku là 3 mét. Mặc dù vậy, Cục TSVTĐ đã nghiên cứu, phân tích và nhìn thấy khả năng đăng ký vị trí quỹ đạo mới trong băng tần qui hoạch để khai thác vệ tinh thương mại với đường kính anten nhỏ hơn.

Năm 2003, Cục TSVTĐ đã đăng ký vị trí quỹ đạo 103 độ Đông. Với tầm nhìn chiến lược đó, Cục TSVTĐ đã cử đội ngũ chuyên gia của mình liên tục tham gia các nhóm nghiên cứu của của ITU để nắm bắt từng qui định cụ thể, chi tiết và hết sức phức tạp của Thể lệ TSVTĐ quốc tế, qua đó không chỉ hiểu luật quốc tế mà còn có thể tham gia trực tiếp sửa đổi các điều khoản qui định có lợi cho Việt Nam tại các hội nghị này.

Đây là một quyết định hết sức quan trọng để thực hiện tầm nhìn chiến lược giành vị trí quỹ đạo trong băng tần qui hoạch. Bởi với việc tham gia liên tục các nhóm nghiên cứu của ITU, Cục TSVTĐ đã có những đóng góp trực tiếp để giảm kích thước đường kính anten theo qui định sử dụng trong băng tần này. Và trên hết là với tình hình thảo luận từ năm 2003 đến năm 2007 tại các nhóm nghiên cứu, Cục TSVTĐ đã dự đoán khả năng thay đổi qui định sau Hội nghị Vô tuyến thế giới năm 2007 (WRC-07), đó là sẽ xóa bỏ việc cho phép dịch chuyển vị trí quỹ đạo đã đăng ký sang vị trí mới mà vẫn giữ nguyên được quyền ưu tiên. Chính vì thế trước Hội nghị WRC-07, Cục TSVTĐ đã dịch vị trí quỹ đạo từ 103 độ Đông sang vị trí 131.8 độ Đông. Việc dịch chuyển vị trí quỹ đạo này giúp Việt Nam giảm được các mạng vệ tinh phải phối hợp và tránh được can nhiễu lớn với mạng vệ tinh của Liên bang Nga. Và quả thực, sau Hội nghị WRC-07, việc di chuyển vị trí quỹ đạo đã không còn được phép thực hiện. Đây là một thành công rất lớn của Cục TSVTĐ trong việc vận dụng thể lệ quốc tế (luật quốc tế) và kỹ thuật để dịch chuyển thành công, đăng ký vào bảng tần số chủ của ITU vị trí quỹ đạo 131.8 độ Đông.

Với kinh nghiệm trong hơn 10 năm đăng ký, phối hợp tần số quỹ đạo cho vệ tinh VINASAT-1, được cọ sát liên tục trong môi trường quốc tế, các chuyên gia Cục TSVTĐ đã tìm mọi cách tối ưu các tham số kỹ thuật, tự viết phần mềm thiết kế vùng phủ vệ tinh, chạy đi chạy lại nhiều lần phần mềm của ITU để dần từng bước loại bỏ hết can nhiễu. Cuối cùng, trước một tuần ngày hết hạn qui định của ITU, Cục TSVTĐ đã tìm ra các tham số tối ưu, vùng phủ vệ tinh tối ưu đáp ứng được đầy đủ các điều kiện, qui định của ITU để đăng ký thành công vị trí quỹ đạo 131.8 độ Đông, sẵn sàng cho việc phóng vệ tinh VINASAT-2. Việc lựa chọn vị trí quĩ đạo 131.8 độ Đông mang tính chiến lược cao, vừa để đảm bảo dung lượng vệ tinh cho Việt Nam và dự phòng dung lượng vệ tinh cho quốc gia và làm thuận lợi hơn cho người sử dụng có thể sử dụng anten thu đồng thời hai vệ tinh.

Như vậy, Việt Nam là một trong những nước đi đầu và thành công trong việc giành vị trí quỹ đạo trong băng tần qui hoạch vị trí 131.8 độ Đông. Vị trí này hết sức quý giá trong bối cảnh vị trí quỹ đạo là một nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm. Điều này đã khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế trong vấn đề đăng ký, phối hợp tần số quỹ đạo vệ tinh, đồng thời khẳng định trình độ, năng lực của đội ngũ chuyên gia Cục TSVTĐ đã tiếp tục được nhiều nước trong Liên minh Viễn thông quốc tế ghi nhận.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Bật mí cuộc sống loài ong mật

Biểu tượng môn thể thao Olympic qua các thời kì

3 dịch vụ xem TV Online cực hay và miễn phí